Ninh Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Những năm gần đây, ngành du lịch Ninh Thuận đã được tập trung đầu tư và có nhiều khởi sắc; du khách đến Ninh Thuận ngày càng gia tăng. Trong năm 2019, du khách đến Ninh Thuận đạt 2.350.000 lượt (tăng 7,3% so với năm 2018); thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch 1.250 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2018, vượt 8,7% kế hoạch). Đến cuối tháng 11/2019, trên địa bàn tỉnh có 52 dự án du lịch được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 23.082,2 tỷ đồng; trong đó có 18 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.362,8 tỷ đồng; có 12 dự án đang triển khai thi công với tổng vốn đăng ký 8.901 tỷ đồng; có 22 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai, với tổng vốn đăng ký 10.818,4 tỷ đồng.
![]() |

Có thể nói Ninh Thuận là vùng đất hội tụ khá đầy đủ các yếu tố về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa và di tích lịch sử đặc thù để phát triển thành vùng động lực của du lịch Việt Nam.
![]() |
![]() |
Hình ảnh du lịch Ninh Thuận cùng các điểm du lịch đã lần lượt được du khách biết đến, được bình chọn vào “top Bản đồ du lịch thế giới”; đặc biệt Khu nghỉ dưỡng Amanoi tại Vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải) được Tạp chí Forbes Life (Mỹ) bình chọn nằm trong “top 10 điểm đến” hấp dẫn nhất thế giới. Bên cạnh đó, các loại hình du lịch nghỉ dưỡng tại Ninh Thuận như: du lịch nghỉ dưỡng biển, khám phá thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Phước Bình và Vườn Quốc gia Núi Chúa, tham gia trải nghiệm tại các vườn trái cây, trang trại nông nghiệp công nghệ cao… cũng được du khách đặc biệt quan tâm, nhất là khách du lịch quốc tế. Đặc biệt những năm gần đây, Ninh Thuận tiếp tục hình thành và phát triển mạnh các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch như: Chợ đêm du lịch, hệ thống Siêu thị, các loại hình thể thao vui chơi giải trí như lướt ván diều, mô tô nước, ca nô, đua xe trên cát, xe điện bánh hơi chở khách tham quan các tuyến phố… Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Thời gian qua, nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường để thu hút đầu tư vào Ninh Thuận, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi về đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký đầu tư kinh doanh tại Ninh Thuận; quan tâm chú trọng công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch. Tỉnh đã thuê Tập đoàn tư vấn Monitor lập quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; trong đó Ninh Thuận được định hướng phát triển theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như: năng lượng tái tạo, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nông nghiệp công nghệ cao… Trên cơ sở quy hoạch, Ninh Thuận đã tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư. Tỉnh đã ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch ở vùng trọng điểm phía Bắc, phía Nam và trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm để hình thành hệ thống tổ hợp khách sạn, thương mại, khu vui chơi giả trí tại khu vực ven biển từ Bình Tiên đến Cà ná; hình thành các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, các dịch vụ du lịch chuyên đề như: du lịch kết hợp đua mô tô, ô tô trên cát, các môn thể thao biển như: dù lượn, lướt ván diều, ca nô, thuyền buồm, du thuyền… Đây là những tín hiệu mới, tích cực, tạo động lực để phát triển du lịch tỉnh nhà trong những năm tiếp theo. Chính những động lực này đã thu hút không ít các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặt niềm tin vào Ninh Thuận và mạnh dạn đầu tư các Tổ hợp khách sạn – căn hộ cao cấp – trung tâm thương mại, resort nghỉ dưỡng biển… gắn với các loại hình vui chơi, giải trí đa dạng tại Ninh Thuận.

Hiện nay, khu vực dải ven biển của tỉnh đang được rất nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực quan tâm nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ trong lĩnh vực bất động sản du lịch, du lịch nghỉ dưỡng – giải trí – mua sắm như: Công ty cổ phần Vinpearl, Công ty cổ phần T&T, Công ty Mũi Dinh Ecopark, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần đầu tư Crystal Bay, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành, Công ty cổ phần đầu tư Hacom Holdings… Trong đó, một số nhà đầu tư đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, cho phép nghiên cứu khảo sát lập quy hoạch. Gần đây nhất, UBND tỉnh đã đồng ý phương án thiết kế quy hoạch các khu du lịch như: Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark quy mô 5.000 phòng; Khu đô thị du lịch sinh thái Nam sông Dinh quy mô 640 ha; Tổ hợp khách sạn, khu thương mại, căn hộ du lịch Dubai Tower Phan Rang quy mô 3.000 phòng/căn hộ; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp xã Vĩnh Hải quy mô 130 ha; Tổ hợp khách sạn 5 sao SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang quy mô 3.300 phòng/căn hộ và tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay quy mô 3.600 phòng/căn hộ kết hợp khu phố thương mại, công viên chuyên đề ven biển Ninh Thuận từ Bình Tiên đến Cà Ná…

![]() |
Để tiếp tục khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương thúc đẩy du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong những năm tới Ninh Thuận sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung phát triển du lịch vào chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao. Ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái, du lịch cộng đồng. Nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực du lịch có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Phát triển đồng thời thị trường khách du lịch nội địa và thị trường khách du lịch quốc tế. Làm tốt công tác nghiên cứu, xúc tiến thị trường để xác định đối tượng khách chủ lực của Ninh Thuận để có hướng đầu tư, khai thác thích hợp. Tiếp tục phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ theo tinh thần Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2019-2022. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm như: khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ; dải ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná; các điểm du lịch tại Vườn Quốc gia Phước Bình và Vườn Quốc gia Núi Chúa; Khu du lịch đồi cát Mũi Dinh; Khu du lịch sinh thái bảo tồn Rùa biển Thái An; Khu du lịch sinh thái cao cấp, bến du thuyền Vịnh Vĩnh Hy; Khu du lịch sinh thái Thác Chapơr; Hồ Sông Sắt; Khu du lịch khoáng nóng Nhị Hà, Hồ Tân Giang.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh có điều kiện tham gia đóng góp vào phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh nhà phù hợp với khả năng của mình, thông qua tạo điều kiện về mặt bằng kinh doanh, ưu đãi đầu tư; định kỳ tổ chức đối thoại, rà soát, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án du lịch, nhất là trong chính sách giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng… để các nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa, có tác động tích cực tới việc thu hút các nhà đầu tư mới. tiếp tục mở rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng đã ký kết như: Hợp tác 9 tỉnh duyên hải miền Trung; 6 tỉnh Nam Trung Bộ – Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, tổ chức các tour du lịch mang thương hiệu vùng; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch của tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của vùng, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh riêng có của tỉnh để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, tạo sự khác biệt hấp dẫn nhà đầu tư và du khách. Mục tiêu đặt ra đối với ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận: phấn đấu đến năm 2020, đón 2,5 triệu lượt khách/năm, đóng góp 12% GRDP, từng bước hình thành khu du lịch trọng điểm của cả nước với các loại hình du lịch đặc biệt có tính cạnh tranh cao, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt nhất; đến năm 2025, đón 3,5 triệu lượt khách/năm, đóng góp 13% GRDP, đưa du lịch Ninh Thuận cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh./.
Theo ninhthuan.gov.vn